Chuyện tình yêu qua mạng xã hội thật sự quá ảo. Cũng bởi vì vậy, người ta mới có hàng loạt những cảnh báo về tình yêu ấy. Thời đại xã hội phát triển, hàng loạt app hẹn hò được xây dựng nên, các mối quan hệ cũng vì vậy mà dễ dàng tiến đến. Tuy nhiên, nói gì thì nói, cũng cần kiểm soát kỹ càng và tra kỹ lưỡng trước khi quyết định bước chân vào chuyện tình nào đó trên mạng.
Mới đây, câu chuyện về một anh chàng Ấn Độ bị gái Việt lừa gây chú ý. Anh ta đăng tải bài viết và được một người bạn Việt Nam dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt nội dung bài rồi chia sẻ vào các hội nhóm.
Theo đó, anh chàng Ấn này sống tại Việt Nam, quen một cô gái trên Twitter và bắt đầu bước vào mối quan hệ.

Rõ ràng, kịch bản này là vô cùng bình thường, hai người quen nhau qua mạng, cảm thấy hợp rồi nói chuyện nhiều hơn, bắt đầu thân thiết hơn là bình thường. Tuy nhiên, nếu như chưa gặp mặt thì vội vàng dành tình cảm cho người ta cũng mang nhiều yếu tố may rủi.
Về phần anh chàng Ấn Độ này, anh quen được cô gái tên N. 22 tuổi. N. là HLV Yoga chuyên nghiệp, nghệ sĩ Violin chuyên nghiệp, nghệ sĩ múa chuyên nghiệp, giáo viên Tiếng Anh và tiếng Trung, quản lý một bệnh viện sang chảnh, đẳng cấp.

Trên dòng giới thiệu còn có một câu thể hiện tính cách bản thân: “Luôn luôn khiêm tốn”. Nhìn địa điểm check in tại New York, ắt hẳn mọi người sẽ cho rằng đây là richkid thật sự, có cuộc sống và tài năng như mơ.
Tuy nhiên, manager chứ không phải manger, cô gái có thực sự là một giáo viên tiếng Anh không vậy?
Trong các bài đăng của mình, cô gái liên tục thể hiện sự kém hiểu biết, tiếng Anh sai, tiếng Việt cũng sai nốt.
Trên Twitter, cô gái thường xuyên khoe khoang về vóc dáng tuyệt đẹp cũng như độ giàu có của gia đình. Hàng tháng tiêu 200 triệu đồng thì mẹ nhắn tin để hỏi sao lại tiêu ít quá.
“Con mua thêm đồ mà mặc, nếu thiếu chỗ để mẹ nói bố xây thêm cho con”, thiếu chỗ để đồ sẽ xây nhà mới, mấy ai được như vậy cơ chứ.



Cô nàng cũng đăng ảnh 3D của một ngôi nhà lên và chia sẻ mất 3 đêm để thiết kế xong. Nếu thiết kế ngôi nhà nhanh như vậy thì chắc hẳn nhiều kiến trúc sư phải bỏ nghề mất.
Đặc biệt hơn là một món quà, cô gái khoe nó có giá 10 triệu. Tuy nhiên, anh chàng phát hiện được nơi bán hộp sô cô la đó chỉ có 169 nghìn đồng chứ chẳng phải tiền triệu, gấp nhiều lần giá thật. Anh ta nhắn tin để nhắc nhở thì bị block luôn tài khoản, cực nhanh và quyết đoán.


Cuối cùng, sau khi các đồng nghiệp biết chuyện, họ điều tra giúp và nhận ra tất cả các hình ảnh cô gái tên N. đăng lên đều thật sự ảo. Cô dùng hình người khác, tự nhận là mình và làm màu một cách cực kỳ thành công.
Đương nhiên những dòng ghi chú kèm theo ảnh cũng có tinh thần khoe khoang đỉnh cao: “Sáng đi học, chiều về làm dancer, tối làm manager khách sạn gia đình, vất vả”.
“Ba mẹ dạy N. phải nữ tính, nhưng 15 tuổi, đánh nhau tay đôi với một băng đảng ở Sài Gòn và được tặng huy chương. Riết rồi mạnh mẽ quá ai yêu hả N.”, cô gái này đúng văn võ song toàn, không gì không biết.
Sau khi thấy hình gốc, anh chàng Ấn Độ đau đớn bình luận: “Tất cả những hình ảnh em đăng trong vòng 3 năm nay đều là giả”.



Đến đoạn nhắn tin, anh chàng tan nát và chán ngán với cô gái mình quen.
“- Bạn bè tôi nói rằng không nên chuyển tiền cho một người nào đó. Xin đừng nổi điên với tôi.
– Thật đau đớn, tôi có cố gắng ăn cắp tiền từ anh đâu. Số tiền này là cho việc làm tình nguyện.
– Làm ơn, hãy để tôi gặp bạn. Tôi sẽ cho bạn những thứ mà bạn cần.
– Tôi lo ngại rằng bố mẹ nóng tính của tôi sẽ không cho phép. Tôi là một cô gái ngoan”.

Cô nàng rich kid giàu có lại đi xin tiền, cảm thấy có những điều thật sự sai trái. Nói gì thì nói, anh chàng Ấn Độ đã gặp phải một cú lừa thật sự, khiến anh ta cũng cảm thấy ngao ngán.
Vậy mới nói, đừng bao giờ để cho sự hào nhoáng trên mạng xã hội đánh lừa bạn. Bất cứ một mối quan hệ nào cũng cần cơ sở xây dựng nên. Câu chuyện của thanh niên Ấn Độ cũng là một bài học kinh nghiệm với tất cả hãy cẩn thận hơn với những gì quá giỏi, quá đẹp. Đôi lúc, thấy như thế nhưng thực tế lại khác xa đấy!